Samsung Heavy “lấn sân” chế tạo tàu biển chạy bằng khí amoniac
20/08/2021
Hàng hải kêu gọi không tăng giá dịch vụ cảng biển trong mùa dịch
07/09/2021

Lên kịch bản ứng phó tắc nghẽn cảng Hải Phòng nếu bị phong toả vì Covid-19

Cảng biển Hải Phòng sẵn sàng các kịch bản phòng nguy cơ tắc nghẽn cho tình huống bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ do Covid-19.

Tỷ lệ tồn bãi vẫn duy trì mức lý tưởng

Thông tin tại cuộc họp với Cục Hàng hải, Sở GTVT Hải Phòng và các cơ quan liên quan được tổ chức hôm qua (21/8), ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải (CVHH) Hải Phòng cho biết, khu vực cảng biển Hải Phòng hiện có khoảng hơn 30 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động được bố trí rải rác từ khu vực cầu Kiền ra đảo Cát Hải với 4 khu vực chính: khu vực sông Cấm, Đình Vũ, Lạch Huyện và Phà Rừng.

Thời điểm hiện tại, các cảng biển khu vực Hải Phòng vẫn đang dư khả năng đáp ứng nhu cầu của chủ tàu, chủ hàng trong mùa dịch – Ảnh minh họa

“Về việc rút hàng từ cảng biển Hải Phòng, đường bộ vẫn là phương thức chủ yếu, chiếm đến 80%, tiếp đến là đường thủy nội địa chiếm hơn 10%. Phương thức đường sắt chỉ chiếm hơn 1%”, ông Vũ thông tin.

Tính đến ngày 6/8/2021, số lượng container đang sử dụng trong các kho, bãi của các bến thuộc nhóm cảng Gemadept vẫn duy trì mức ổn định.

Cụ thể, ở cảng Nam Hải Đình Vũ, đang chứa lượng hàng chiếm khoảng 60% công suất bãi cảng, cảng Nam Đình Vũ khoảng 40%, cảng Nam Hải khoảng 60%.

Nhóm cảng Gemadept cũng đang hợp tác với Nam Hải ICD có bãi chưa rộng khoảng 21ha, sức chứa khoảng 14.000 TEUs (hiện đang sử dụng khoảng 36% công suất) và liên kết với các cảng khác như: Vip Green Port, Green Port, Đoạn Xá, Mipec, Tân Cảng 128 để sẵn sàng có phương án luân chuyển khi các bến cảng đầy tải.

Nhóm cảng thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng như: Tân Vũ đang chứa lượng hàng chiếm khoảng 60% công suất bãi cảng, tại cảng Chùa Vẽ là 40%, Hoàng Diệu là 10% và Đình Vũ khoảng 70%.

Đối với nhóm cảng Viconship, diện tích kho bãi cũng được duy trì ổn định để khai thác, trong đó, cảng Vip Green Port đang chứa 80% công suất bãi, cảng Green Port khoảng 80% và cảng PTSC khoảng 60%.

“Nhóm cảng của Tân Cảng Sài Gòn, gồm: HICT Lạch Huyện mới sử dụng trên 35% sức chứa của bãi; cảng Tân Cảng 128 và Tân Cảng 189 bãi chứa cũng mới được sử dụng khoảng 60%. Nhóm cảng này còn có sự tương hỗ rất lớn của các ICD sau cảng, giúp việc luân chuyển hàng hóa có thể linh hoạt trong mọi tình huống”, lãnh đạo CVHH Hải Phòng chia sẻ.

Cập nhật khả năng lấy hàng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu được coi là một trong những giải pháp then chốt giúp cơ quan chức năng xây dựng được những kịch bản khai thác cảng tối ưu trong mùa dịch – Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, mặc dù dung lượng bãi cảng tại Hải Phòng hiện vẫn còn “dư” khả năng, song, thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải VN, CVHH Hải Phòng đã làm việc với DN cảng và cơ quan chức năng địa phương xây dựng sẵn phương án điều phối tàu hàng trong trường hợp cảng phải ngưng hoạt động một phần hoặc toàn bộ do Covid-19.

Về phương án chung, cảng vụ yêu cầu các DN cảng phải liên tục cập nhật diễn biến dịch bệnh để sớm thông báo cho chủ tàu, chủ hàng biết; thường xuyên rà soát hiện trạng năng lực khai thác của cảng, kho bãi, đánh giá năng lực kho, bãi ngoài cảng; Xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp người lao động, thuyền viên bị mắc Covid-19; Điều chuyển bớt các container rỗng ra khỏi cảng đối với các cảng có lượng hàng hóa cao,…

Đặc biệt, DN cảng phải rà soát tình trạng rút hàng của các DN xuất nhập khẩu, thường xuyên làm việc với chủ hàng lớn, nắm bắt kế hoạch rút hàng tại cảng để kịp thời có biện pháp đốc thúc trong trường hợp DN lấy hàng chậm.

“Các DN cảng được đề nghị trước 10h hàng ngày phải báo cáo số lượng phương tiện đường bộ ra, vào cảng cho cảng vụ qua email; Báo cáo lượng hàng hóa thực tế tồn tại cảng, kế hoạch tiếp nhận hàng hóa tuần kế tiếp (cả hàng nhập và hàng xuất) trước 10h thứ Sáu hàng tuần; Đồng thời, bố trí đầu mối thông tin liên lạc theo dõi, phối hợp với cơ quan chức năng phân tích, đánh giá nguy cơ ách tắc hàng hóa tại cảng.

Trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ quá tải, DN cảng phải thông báo tới hãng tàu/đại lý hãng tàu nhanh chóng điều chuyển tàu sang các bến cảng khác, tránh việc tập trung tại một cảng gây ùn ứ, phát sinh thời gian chờ tàu.

Trách nhiệm của chủ hàng, chủ tàu là thông báo sớm kế hoạch nhập, xuất hàng cho DN cảng; chủ động nắm bắt khả năng chứa hàng tại kho bãi cảng, sớm rút hàng tại các bến cảng để phục vụ sản xuất kinh doanh và chủ động điều chỉnh cảng dỡ hàng khi có dấu hiệu ùn tắc”, ông Vũ thông tin.

Đánh giá lưu lượng giao thông cũng là vấn đề đang cơ quan chức năng tập trung thực hiện, đảm bảo sự thông suốt cho phương tiện vận chuyển hàng hóa đi/đến cảng biển Hải Phòng – Ảnh minh họa

Cập nhật lộ trình xe vận tải, phân luồng phương tiện thông suốt

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, để có được phương án duy trì “dòng chảy” hàng hóa đến cảng biển ổn định, tới đây, Sở GTVT Hải Phòng cần có đánh giá các mặt đã làm được hoặc chưa làm tốt đối với các vấn đề như: tổ chức giao thông, phân luồng cho xe container; Tổ chức vận tải cấp phù hiệu, mã QR Code, hậu cần cho lái xe (bãi xếp dỡ, nơi tập trung), tổ chức test nhanh Covid-19 cho lái xe tại cảng,… để có đánh giá khách quan, từ đó có giải pháp tổ chức tối ưu hơn.

“Để quản lý tốt lưu lượng phương tiện ra, vào Hải Phòng, Tổng cục Đường bộ có thể phối hợp với Sở GTVT và Cục Hàng hải đề nghị DN vận tải hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng thông tin thông báo trước chuyến đi về hoạt động phương tiện vào khu vực (thời gian di chuyển đến thành phố, lộ trình di chuyển,…) làm cơ sở đưa ra các phương án phân luồng hiệu quả”, bà Hiền nói.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã chỉ đạo tất cả các cảng vụ xây dựng phương án chống ùn tắc tại khu vực cảng biển trong trường hợp các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh hơn, ảnh hưởng đến việc lấy hàng của các cơ sở sản xuất.

“Thời gian tới, CVHH Hải Phòng cần tiếp tục yêu cầu các cảng báo cáo thường xuyên về tỷ lệ hàng tồn tại bãi container, đánh giá lưu lượng giao thông ra, vào cảng; Phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, đánh giá cụ thể hơn nữa năng lực tại các depot, ICD; Khuyến khích các DN cảng xây dựng sẵn chính sách tài chính ưu đãi để chủ hàng rút hàng sớm.

Cơ quan hải quan khu vực cũng cần nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu về danh sách chủ hàng thường xuyên xuất/nhập hàng hóa tại cảng biển Hải Phòng, số lượng tồn container ở trong cảng để các bên liên quan phối hợp đánh giá, đưa ra kịch bản sát với tình hình thực tế”, ông Giang nói, đồng thời, đề nghị thành lập một đầu mối trao đổi hàng ngày giữa Sở GTVT, cơ quan chức năng địa phương, Cục Hàng hải và cảng vụ tiếp nhận các vướng mắc phát sinh, kịp thời có phương án giải quyết, giữ vững “vùng xanh” tại cảng biển.

“Trường hợp các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16, việc đi lại của đội ngũ công nhân tác nghiệp tại cảng sẽ khó khăn hơn, nguy cơ thiếu hụt lao động của các cảng sẽ xuất hiện. Sở GTVT Hải Phòng cũng cần dự liệu tình huống này, kiến nghị cấp thẩm quyền của thành phố có cơ chế đặc thù riêng duy trì lực lượng phục vụ khai thác cảng”, ông Giang chia sẻ thêm.