THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
08/11/2017
Mở lối cho hoạt động vận tải biển
05/03/2019

Ngành Hàng hải vận hành như thế nào sau cổ phần hóa

Năm 2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt ra chiến lược thay đổi toàn diện từ mô hình quản trị đến cách thức sản xuất kinh doanh, để đảm bảo mục tiêu doanh thu, sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa.

“Bình mới, rượu mới”

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, đến đầu năm 2019, Vinalines đã hoàn thiện tái cơ cấu tài chính toàn diện, thông qua nhiều giải pháp tài chính linh hoạt. Nhờ vậy, số nợ của đơn vị đã giảm mạnh khoảng 70%, từ hơn 67.500 tỷ đồng thời điểm trước tái cơ cấu (20/6/2018) xuống còn hơn 20.400 tỷ đồng hiện nay. Dư nợ vay của Công ty mẹ – Tổng công ty xóa được 9.000 tỷ đồng, từ hơn 11.400 tỷ đồng trước thời điểm tái cơ cấu xuống còn hơn 2.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là Vinalines đã cổ phần hóa thành công với hơn 5 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư đăng ký mua trong phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tỷ lệ cổ phần bán ra tuy chưa phải ở mức cao, nhưng bước đầu tạo ra bước ngoặt mới với mô hình quản trị linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

                          Bốc dỡ hàng container tại cảng Quy Nhơn. Ảnh: Tiến Hiếu/Báo Tin tức

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, dự kiến, ngay trong quý 1/2019, Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần dưới thương hiệu VIMC. Ngay từ đầu năm 2019, Tổng công ty sẽ bắt tay ngay vào tối ưu hiệu quả đội tàu vận tải biển, đưa vào hoạt động Trung tâm khai thác tàu container, nhằm tập trung mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ chuỗi, hợp đồng dài hạn và làm việc với các hãng tàu lớn để đưa tàu, hàng hóa xuất nhập khẩu về các doanh nghiệp của VIMC.

“Bản thân đội tàu của VIMC cũng sẽ cải thiện, những tàu cũ, hoạt động kém hiệu quả còn sót lại sẽ được thanh lý triệt để. Phân khúc tàu chuyên dụng như: Container, tàu vận tải than khối lượng lớn sẽ được đầu tư, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Tĩnh chia sẻ.

Cũng theo ông Tĩnh, trong xu thế vận tải biển vẫn chưa “thoát khó”, hoạt động kinh doanh của VIMC sẽ vẫn tập trung vào thế “kiềng ba chân”: Cảng biển – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải, nhưng hai mảng cảng biển và dịch vụ hàng hải sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, lĩnh vực cảng biển thiên về hướng phát triển những cảng trung chuyển, cảng cửa ngõ quốc tế như: Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải và việc đầu tư các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện)…

Sẵn sàng vươn ra biển lớn

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV VIMC, thị trường vận tải biển trong nước hiện đã ổn định, nhưng giá cước vận tải và cho thuê tàu vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, xu hướng liên minh của các hãng tàu nước ngoài tạo ra sự cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải biển nội địa. Do đó, thách thức lớn nhất đối với VIMC chính là xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với các doanh nghiệp cảng biển trong nước để hoạt động hoặc tự khai thác khép kín dịch vụ.

                   VIMC đã và đang tích cực phát triển dịch vụ logistics trọn gói. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

“Tuy nhiên, với vai trò là một trong những doanh nghiệp hàng hải “hiếm hoi” của Việt Nam sở hữu được cả 3 cơ sở hạ tầng của một chuỗi dịch vụ logistics, đó là: Cảng biển, tàu biển và các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, VIMC đã và đang tích cực phát triển dịch vụ logistics trọn gói (door to door) để sẵn sàng ra biển lớn”, ông Lê Anh Sơn cho biết.

VIMC hiện đã thành lập Trung tâm Vận tải container để thống nhất đội tàu thành một hệ thống đồng nhất, không chồng chéo, có sự điều phối chung, đảm bảo tối ưu trong khai thác các tuyến vận tải. Với trung tâm này, VIMC đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong kết nối, trao đổi thông tin và xây dựng hệ thống kho bãi xanh, hiện đại, để nâng cao tính cạnh tranh.

Ngoài ra, VIMC cũng đang đẩy mạnh đấu thầu vận chuyển các lô hàng lớn bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài như: Than, quặng hoặc các nguyên vật liệu cho các khu công nghiệp hoặc nhà máy lớn, dựa trên thế mạnh “kiềng ba chân”; đồng thời đầu tư tàu công nghệ hiện đại (thế hệ Ecoship), đáp ứng công ước quốc tế, đảm bảo yếu tố về môi trường, có suất tiêu hao nhiên liệu thấp, đảm bảo tính cạnh tranh và có thể đi thẳng các tuyến vận tải Nội Á bằng container, đồng thời tập trung mở rộng các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế để đón được tàu hàng quốc tế từ Mỹ và Châu Âu tới trao đổi hàng.

Theo Đăng Sơn/ báo Tin tức