Cục Hàng Hải sắp đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp
05/03/2019
MAERSK MUỐN CHIA SẺ CÔNG NGHỆ CHỨNG TỪ SỐ – TRADE LENS VỚI NGÀNH HÀNG HẢI VIỆT NAM
06/03/2019

Thị trường thuyền viên “ấm” lại ngay từ đầu năm

Từ năm 2008 đến nay, ngành vận tải biển lao dốc không phanh khi hàng trăm công ty, tập đoàn vận tải biển lớn bị thua lỗ trầm trọng và bên bờ vực phá sản. Điều đó khiến số lượng lớn thuyền viên Việt Nam không còn mặn mà với nghề đi biển. Lượng học viên tham gia đăng ký học trong khối ngành đi biển từ đại học, cao đẳng, trung cấp cho đến sơ cấp cũng giảm mạnh từ năm 2015 đến nay. Các chủ tàu lại lâm vào cảnh “thừa việc, thiếu người”.

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2019, trước tình cảnh thuyền viên nước ngoài khan hiếm, thị trường thuyền viên Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi chủ tàu, các công ty quản lý thuyền viên “đánh thuê” đang đồng loạt đăng tuyển thuyền viên số lượng lớn với đội tàu lớn hơn về trọng tải (đại đa số là tàu từ 10.000 – 50.000 tấn). Mức lương tuyển dụng, chế độ BHXH cùng mức phụ cấp: tiền ăn, tiền làm việc ngoài giờ cũng được đảm bảo và tăng lên rõ rệt so với các năm trước.

Cụ thể, nếu giai đoạn 2015 – 2016, chức danh thủy thủ/thợ máy là 8 – 10 triệu/tháng, sang năm 2019, các chủ tàu của Việt Nam đã chào tuyển dụng với mức lương 12 – 15 triệu/tháng.

Đối với thị trường “đánh thuê” cho các tàu vận tải biển nước ngoài, mức lương thấp nhất cho cấp thủy thủ/ thợ máy cũng trên 20 triệu/tháng. Các chức danh cao như sỹ quan vận hành, sỹ quan quản lý lên tới 6.500 – 10.000 USD/tháng (130 – 230 triệu/tháng). Đây là một mức lương thật sự lý tưởng, giúp thuyền viên dần bỏ được “gánh nặng” về kinh tế.

Đáng lưu tâm hơn, thuyền viên Việt Nam giờ không phải trải qua các vòng tuyển gắt gao. Nếu giai đoạn trước, các chủ tàu thường phỏng vấn kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Anh để tuyển thuyền viên (tiếng Anh là điểm yếu của thuyền viên Việt Nam khi đi phỏng vấn với các chủ tàu nước ngoài) thì hiện tại, thuyền viên chỉ cần đảm bảo đầy đủ hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc là cơ hội trúng tuyển đã gần như “nằm trong tầm tay”.

Với 75% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển và dựa vào tình hình thực tế hiện nay, dự báo từ 3 – 6 năm tới, lượng thuyền viên cần làm việc cho chủ tàu Việt Nam và chủ tàu quốc tế sẽ thiếu trầm trọng về số lượng do đội tàu của quốc tế ngày càng tăng về số lượng và trọng tải để theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới. Đó chính là cơ hội việc làm tốt cho các ứng viên đang hướng về lao động ngành hàng hải, về môi trường làm việc chuyên nghiệp, có thu nhập tốt trong tương lai.

Theo Báo Giao Thông